[PHONG THỦY] DÙNG LA BÀN XÁC ĐỊNH HƯỚNG NHÀ
Các nhà Phong thủy đôi khi cần biết thêm những điểm tương quan về sao, mệnh, các quẻ tương ứng trong Kinh dịch nên họ thường dùng loại La Bàn có nhiều vòng đồng tâm phân chia nhiều lãnh vực.
Đối với những người bình thường muốn biết đại cương hướng căn nhà thì họ chỉ cần mua một cái la bàn đơn giản rẻ tiền tại các siêu thị, các tiệm tạp hoá là được thôi.
Phương thức xác định hướng qua la bàn rất dễ nhưng vẫn có người vì chưa quen nên xác định sai lạc.
Trên la bàn có kim chỉ hướng Bắc thường sơn màu đỏ. Vì thế khi đặt la bàn xuống, thấy kim màu đỏ chỉ về đâu thì đó là hướng Bắc. Khi đó nhớ tránh đặt la bàn gần vật dụng kim loại vì sẽ làm lệch kim nam châm của la bàn khiến chỉ sai hướng.
Nhiều người có cái la bàn nhưng đôi khi lại dùng sai lệch. Có người đặt la bàn trước cửa chánh căn nhà để xác định hướng nhà bằng cách đứng trước cửa chánh căn nhà nhìn vào mặt la bàn đặt trước mặt họ. Nếu xác định hướng theo phương cách đó thì rất sai lạc. Lý do là hướng xác định như vậy sẽ nghịch lại với hướng đó của cửa chánh căn nhà. Muốn chính xác khi đo hướng cửa nên đặt la bàn ở ngưỡng cửa rồi nhìn vào la bàn theo hướng từ nhà ra đường.
Đế đọc chính xác hướng nhà từ la bàn thì nên lưu ý đến kim chỉ hướng của la bàn. Nhiều người sử dụng la bàn lần đầu thường nghĩ là khi đặt la bàn xuống để lấy hướng nào đó thì kim la bàn sẽ chỉ hướng đó. Nhiều người đã có sự hiểu lầm đó nên khi đặt la bàn xem hướng họ sẽ lúng túng không hiểu phải đọc hướng như thế nào.
Vậy cần lưu ý hướng chỉ của la bàn như sau: Khi đặt la bàn định hướng một nơi nào đó ví dụ: hướng cửa chánh căn nhà, hướng miệng lò, hướng chỗ ngồi.. . trước tiên ta đặt la bàn ở vị trí muốn xác định hướng. Kim la bàn sẽ chuyển động vài giây rồi nằm yên. Khi đó kim la bàn chỉ hướng Bắc Nam theo vị trí của quả đất chứ không phải kim la bàn chỉ hướng vị trí mà ta cần xác định. Điều cũng nên biết thêm là hiếm khi có vị trí nào ở ngay đúng vào hướng chánh Đông, chánh Tây, chánh Bắc, chánh Nam mà thường ở vào hướng như Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc. Dựa vào các khắc độ kẻ trên vòng la bàn ta sẽ dễ dàng tính được hướng xác định có độ lệch về hướng nào nhiều. Ví dụ: cửa chánh căn nhà quay về hướng Đông Nam – nếu muốn biết cửa này hướng về Đông nhiều hay Nam nhiều thì nhìn vào mặt la bàn theo các vạch khắc độ ta sẽ thấy rõ độ lệch rõ ràng ví dụ: lệch về Nam 60 độ, về Đông 30 độ.
Tuỳ theo độ lệch mà ta có thể xác nhận sự hợp hướng hay bất hợp hướng nhiều hay ít. Ví dụ: người thuộc hướng Đông tứ trạch làm chủ căn nhà hướng Đông Bắc là không hợp hướng vì Đông Bắc thuộc Tây tứ trạch. Tuy nhiên nếu kim la bàn chỉ hướng cho thấy kim chỉ lệch khỏi hướng Đông để vào phạm vi thuộc Đông Bắc vài độ thôi (1,3 hay 5 độ chẳng hạn) thì ta vẫn có thể kết luận là sự khắc hướng này nhẹ.